Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, với nhiều nỗ lực và cố gắng, Việt Nam đã là thành viên của các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác và cạnh tranh đa dạng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Với những ưu thế đó, ngành Luật Kinh tế ngày càng trở thành một ngành nghề quan trọng, đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ quyền lợi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Hơn bao giờ hết, hàng lang pháp lý vững chắc cùng các chính sách kinh tế phải được đảm bảo, để mọi hoạt động kinh doanh được triển khai đúng pháp luật và hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức đều cần hiểu rõ về pháp chế để duy trì hoạt động hợp pháp và tối ưu hóa lợi ích. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần có đội ngũ cán bộ, công chức "vừa hồng vừa chuyên" trong lĩnh vực Luật Kinh tế để thực hiện công tác quản lý hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho các chủ thể kinh doanh. Chính vì vậy, ngành Luật Kinh tế trở thành một ngành nghề thiết yếu trong xã hội hiện đại. Minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết này là kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp: “Chỉ tính riêng các chức danh tư pháp, từ nay đến năm 2020, cần phát triển hệ thống cơ sở đào tạo luật để có đủ sức đào tạo ước tính 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại… Đó là chưa kể nhu cầu cán bộ pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương”[1].
Với chương trình đào tạo trình độ Đại học và Thạc sĩ Luật Kinh tế tại Trường Đại học Tây Đô, người học không chỉ được tiếp cận những kiến thức vững chắc về hệ thống pháp luật quốc gia mà còn chuyên sâu vào các lĩnh vực Luật Kinh tế, bao gồm các học phần như: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại Quốc tế... Đặc biệt, trường chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm thiết yếu cho sinh viên, như: kỹ năng đàm phán, kỹ năng hòa giải, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tổ chức công việc. Đây là những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng hiện nay rất coi trọng khi tìm kiếm ứng viên.
Người cũng sẽ có cơ hội thực hành, xử lý tình huống pháp luật thông qua các phương pháp giảng dạy tích cực, tham gia vào các phiên tòa giả định mô phỏng, CLB Pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và thực tập thực tế tại cơ quan, doanh nghiệp. Những hoạt động này giúp sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng chuyên môn và nâng cao khả năng vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật trong thực tiễn công việc.
Với hơn 10 năm hình thành và phát triển, chương trình đào tạo chất lượng, hiện đại và uy tín, người học tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế bậc đại học, thạc sĩ tại Trường Đại học Tây Đô có thể tự tin đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong xã hội như: chuyên viên, luật sư tại các công ty luật, văn phòng luật sư và chuyên viên, công chứng viên tại văn phòng công chứng; đảm nhận các công việc trong các cơ quan nhà nước; hoặc có thể tham gia giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu pháp luật.
Chính sự chuẩn bị chu đáo và toàn diện này sẽ giúp các cử nhân, thạc sĩ Luật Kinh tế tại Trường Đại học Tây Đô có thể đóng góp tích cực cho xã hội, sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
[1] Baomoi.com, Đào tạo nhân lực ngành luật: vừa thiếu vừa yếu, http://www.baomoi.com/dao-tao-nhan-luc-nganh-luat-vua-thieu-vua-yeu/c/12827752.epi